Hội thảo đã triển khai kế hoạch sản xuất 135 ha đậu nành trong năm 2023; trao đổi vai trò, trách nhiệm của các bên trong chuỗi liên kết; giới thiệu tiêu chuẩn bảo đảm điều kiện thu mua đậu nành; hướng dẫn người dân thử nảy mầm và bảo quản giống trước khi gieo trồng…
Hội thảo nhằm hướng dẫn người dân liên kết sản xuất đậu nành với Vinasoy; tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất đã cam kết, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới; nâng cao năng suất, chất lượng đậu nguyên liệu; giảm chi phí đầu tư trong bối cảnh vật giá tăng cao.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình hợp tác liên kết sản xuất đậu nành giữa Vinasoy và HTX Đậu nành Nam Dong (Cư Jút).
Những năm qua, Vinasoy đồng hành với nông dân xã Nam Dong và Đắk Drông từ việc cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác, thu hoạch cho đến khâu bao tiêu đầu ra cho hạt đậu nành.
Tại hội thảo, Vinasoy đã trao tặng Chứng nhận thành viên Câu lạc bộ 3 tấn/ha cho 7 nông dân có thành tích sản xuất trên 3 tấn/ha đậu nành trong năm 2022.
Huyện Cư Jút hiện là vùng trồng đậu nành lớn nhất của tỉnh Đắk Nông. Riêng Vinasoy liên kết sản xuất 130 ha - 150 ha/vụ. Vinasoy đã lựa chọn Cư Jút để thành lập Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên - địa điểm nghiên cứu chọn tạo giống, khảo nghiệm kỹ thuật canh tác để phát triển giống mới cho các vùng nguyên liệu trong cả nước. Với lợi thế về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, Cư Jút có thể gieo trồng tới 4 mùa đậu nành trong năm, giúp việc thử nghiệm đánh giá diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn, rút ngắn 1/2 thời gian so với phương pháp truyền thống.
Tác giả bài viết: Hưng Nguyên
Ý kiến bạn đọc